Mình biết đến khái niệm coach/coachee (và mentor/mentee) từ những năm làm AIESEC, lúc đó tầm 20-21 tuổi còn chưa tốt nghiệp ĐH. Khi đó coach đối với mình là một kỹ năng mà những người làm leader thực thụ cần học tập và trau dồi để có thể dẫn dắt đội nhóm hiệu quả.
Sau này khi mình có 3 người bạn đi theo hướng coach chuyên nghiệp, mình cũng ý thức được ở Việt Nam đây có thể sẽ là một ngành nghề tiềm năng và có tương lai. Bởi nhìn sang các nước đã phát triển, vấn đề về tâm lý cũng cần được quan tâm và chữa trị ko thua kém những vấn đề bệnh lý khác.
Mình theo dõi hành trình của các bạn mình, những người theo đuổi nghề coach chuyên nghiệp thì biết được rằng để có thể hành nghề, các bạn cần được học và cấp chứng chỉ đào tạo, và phải hoàn thành đủ số giờ coach theo quy định mới được cấp certificate theo từng cấp độ.
Có nhiều lĩnh vực coach, từ parent/làm cha mẹ, health/sức khoẻ, relationship/mối quan hệ, business career/sự nghiệp, personal development/phát triển bản thân, v.v… phụ thuộc vào chuyên môn, kinh nghiệm và đam mê của người coach. Và những bạn coach mình biết đều là những người ko ngừng học tập và đào sâu chuyên môn lĩnh vực của mình để có thể tận tâm nhất với nghề.
Bản thân mình cũng học một vài kiến thức về coaching để áp dụng trong vận hành đội nhóm và công việc kinh doanh. Mình thấy coach là một việc rất khó, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng cứng cũng như kỹ năng mềm. Người coach phải là người có đủ trải nghiệm, cũng như sự tĩnh trong tâm để có thể thấu hiểu, dẫn dắt và đưa coachee đến câu trả lời họ cần một cách khách quan nhất.
Quan điểm của mình khi làm bất kỳ nghề gì cũng cần nghiêm túc và học hỏi ko ngừng. Hiểu về ngành, hiểu về đặc tính nghề, hiểu về những gì mình cần biết cần học cần làm để có thể trao đổi giá trị cho đúng. Đừng chạy theo trào lưu để cho mình một danh xưng nào chỉ sau 1 khoá học ngắn ngày, vì có thể vô tình mình đang làm sai lệch cái nhìn của xã hội về cả một ngành nghề bản chất rất văn minh.